Ô nhiễm ở hầu hết các dòng sông trên địa bàn Hà Nội đang trực tiếp ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, sức khoẻ cộng đồng. Tình trạng trên đang gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp cho việc bảo vệ và phục hồi chất lượng nước Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.
Nước thải chưa qua xử lý được đổ thẳng ra sông ngòi
Theo kết quả nghiên cứu từ Dự án "Phát triển hệ thống sử dụng nước đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu" do Trường Đại học Xây dựng Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) thực hiện vừa công bố đầu tháng 3/2015, hiện nước sông trên địa bàn Hà Nội đang bị ảnh hưởng bởi 10% nước thải đô thị chưa qua công đoạn xử lý hoặc pha loãng; trong khi đó, khoảng 36% nước thải chưa qua xử lý cũng đổ ra các hồ, gây ô nhiễm nguồn nước tại nhiều khu vực.
Kết quả nghiên cứu từ Dự án cũng cho thấy, tại Hà Nội, hiện nước ngầm là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho người dân. Tuy nhiên, nhiều khu vực nước ngầm lại đang bị ô nhiễm bởi asen. Việc nước ngầm bị nhiễm asen, khi sử dụng có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân.
PGS.TS Trần Đức Hạ – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Đại học Xây dựng) cho biết: Hiện nay, mỗi ngày, 770 đô thị cả nước xả ra sông với tổng nước thải khoảng 5,2 triệu m3, nhưng mới chỉ có 24 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất khoảng 550 nghìn m3/ngày. Trong đó, Hà Nội là một trong những đô thị có nguồn nước bị ô nhiễm asen nặng nhất.
Kết quả nghiên cứu từ Dự án trên cũng cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt sông chính như: Sông Hồng, sông Đuống và sông Đáy không đảm bảo, không ổn định và khó kiểm soát. Trong khi đó, các nhà máy xử lý nước thải lại hoạt động không hiệu quả. Đơn cử như các nhà máy xử lý nước thải: Kim Liên, Trúc Bạch quá nhỏ; các nhà máy: Yên Sở, Đông Anh không hiệu quả về chất lượng và công suất; các nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, Hồ Bảy Mẫu lại đang trong giai đoạn vận hành thử và xây dựng…
Đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường nước sông thành phố Hà Nội, Viện Khoa học Môi trường và Phát triển (VESDEC) đã đưa ra kết luận: Không có điểm nào ở bất kỳ các con sông trên địa bàn thành phố đạt loại I (không ô nhiễm hoặc ô nhiễm nhẹ).
Những dòng sông lịch sử một thời như: Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu… thì nay lại trở thành nỗi sợ hãi đối với người dân Thủ đô. Việc cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt hồ Thiền Quang trong tháng 9/2014 vừa qua, khiến người dân bàng hoàng trước thực trạng ô nhiễm hồ ngày càng nghiêm trọng. Ngoài ra, các sông, hồ khác của Hà Nội cũng bị ô nhiễm đáng kể như: Hồ Ba Mẫu, hồ Bảy Mẫu, hồ Tây, sông Kim Ngưu…
Theo tìm hiểu của phóng viên, dòng sông Tô Lịch thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đã từ nhiều năm nay đến giờ nước vẫn đen kịt vì ô nhiễm gây bức xúc cho người dân.
Chị Trần Hoài Phương, một người dân sống tại mặt đường Nguyễn Khang nhìn ra sông Tô Lịch cho biết: "Gia đình tôi cùng nhiều nhà khu vực này ngày nào cũng chứng kiến màu nước đen kịt và ngày càng cạn của dòng sông. Tình trạng nước thải đen ngòm, rác nổi lềnh bềnh trên sông là chuyện thường ngày. Đặc biệt, những ngày hè oi bức hoặc sau trận mưa rào thì mùi xú khí từ sông bốc lên rất khó chịu, trẻ con và người lớn cũng chẳng dám ra đây hóng mát".
Không kém sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu cũng là một trong những dòng sông có mức độ ô nhiễm cao trên địa bàn Thủ đô. Sống gắn bó gần hết cả cuộc đời bên bờ sông Kim Ngưu, anh Hoàng Văn Kha – một trong những hộ dân bán vật liệu xây dựng thuộc phố Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng cho biết: Từ ngày nước sông bị ô nhiễm nặng, nhiều hộ gia đình có nhà mặt tiền nhìn thẳng ra sông không thể ở nổi vì mùi nước hôi thối nên đành phải cho thuê hoặc bán, chuyển đi nơi khác. Nhiều hộ cũng không dám mở cửa bán hàng ăn, vì bán cũng chẳng ai dám ngồi mà ăn được vì mùi nước khu vực này", anh Kha than phiền.
Cần giải pháp khẩn cấp cứu nguy cho các dòng sông
Từ thực tế trên, các chuyên gia môi trường cho rằng, các dòng sông đã phải chịu sức ép quá lớn khi liên tục làm nhiệm vụ thoát nước thải chưa qua xử lý từ các khu công nghiệp, bệnh viện, làng nghề và nước thải sinh hoạt của hàng triệu con người khiến tình trạng ô nhiễm càng trở nên nhanh chóng. Và trong tương lai gần, nguy cơ ô nhiễm không những không giảm mà còn gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ô nhiễm do chất thải công nghiệp, sinh hoạt..
Với việc ô nhiễm nguồn nước, người dân Hà Nội đang phải hứng chịu nhiều bệnh tật liên quan như: Tiêu chảy, viêm phế quản cấp và mãn tính, hen suyễn, các vấn đề về tim mạch…
Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu chất lượng nguồn nước tại Hà Nội tiếp tục đi xuống như hiện nay mà không có giải pháp xử lý kịp thời, số lượng người nhiễm bệnh liên quan tới ô nhiễm nguồn nước, không khí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020.
Bàn về giải pháp xử lý nước thải của Hà Nội, tại cuộc họp gần đây nhất của UBND thành phố Hà Nội, các đại biểu cũng cho biết: Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm sông ngòi Thủ đô là do nguồn nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ở không ít khu chung cư cao tầng, khu đô thị mới (ĐTM).
Bởi vậy, theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, thành phố đầu tư xây dựng 39 trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung để xử lý nước thải cho khu đô thị trung tâm và 5 đô thị vệ tinh.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 6 trạm xử lý nước thải (tổng công suất thiết kế khoảng 264.300 m3/ngày-đêm) đã xây dựng xong và đưa vào vận hành; 5 trạm đang xây dựng hoặc làm công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng, với tổng công suất thiết kế khoảng 396.300 m3/ngày-đêm.
Các trạm xử lý nước thải này hoàn thành sẽ giải quyết được việc xử lý nước thải của một số khu vực, trong đó có các dự án khu đô thị mới, khu nhà ở xã hội. Việc xử lý nước thải tại các khu dự án, đô thị mới sẽ tránh tình trạng nguồn nước thải đổ trực tiếp ra các sông ngòi, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại các khu vực này.
Đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước cho Thủ đô, PGS.TS Trần Đức Hạ – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Đại học Xây dựng) cũng cho rằng, trước mắt, cần xử lý chất thải từ các nhà máy, chất thải sinh hoạt, hỗ trợ và cung cấp đủ nước sạch cho người dân. Đồng thời, Hà Nội cần có những phương án như: Nạo vét bùn và kênh mương thường xuyên, cải thiện chất lượng nước thấm qua, bởi điều này có thể giảm thiểu ô nhiễm nước ngầm do asen…/.
Công Ty TNHH TM SX Hùng Phát nhà sản xuất máy bơm nước hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực máy bơm hỏa tiễn DOYIN ; may bom nuoc tha tom DONGYIN , máy bơm giếng khoan thả sâu :
Địa chỉ : Lô J19 đường số 6 khu công nghiệp Hải Sơn xã Đức Hòa huyện Đức Hòa Long An
Hotline : 0938 344 566
Web site máy bơm hỏa tiễn HUPA : https://hupa.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét